Tin mới

Coach

Coach

Internal player

Internal player

Foreign Affairs

Foreign Affairs

Chuyện sân xấu ở V.League: Vấn đề không phải là tiền

Share This

V.League đang có quá nhiều những SVĐ có mặt sân quá xấu, bị các HLV gọi là “mặt ruộng”, không đủ tiêu chuẩn thi đấu. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới chuyên môn các trận đấu mà còn làm hình ảnh giải VĐQG đi xuống, khiến việc tìm kiếm tài trợ hay bản quyền truyền hình gặp khó khăn.

Chuyện sân xấu ở V.League: Vấn đề không phải là tiền

Các sân ở Việt Nam thường có chất lượng xấu do bị ảnh hưởng của thời tiết như sân Hải Phòng
ĐÁ BÓNG TRÊN NHỮNG “MẶT RUỘNG” 

Chiều 20/1, HLV Guillaume Graechen đưa các học trò tới Lạch Tray để làm quen sân, chuẩn bị cho trận đấu với chủ nhà Hải Phòng chiều hôm sau. Vừa nhìn thấy mặt sân, chiến lược gia người Pháp đã lắc đầu ngao ngán. 

Mặt sân quá xấu khiến thuyền trưởng HAGL buộc phải thay đổi kế hoạch. Thay vì tập đối kháng, ông chỉ cho Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… tập đá ma trong khoảng không hẹp với lời dặn tuyệt đối không được chạy quá nhanh hay vào bóng mạnh bởi có thể dính chấn thương. 

“Mặt sân lồi lõm như thế này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng chuyên môn của trận đấu cũng như khả năng chơi bóng của cầu thủ cả hai đội. Ngay cả CLB hạng năm ở Pháp cũng sẽ bị phạt nếu để mặt sân tệ thế này khi thi đấu. Chúng ta sẽ cùng chờ câu trả lời từ VFF và VPF về việc này”, HLV Graechen Guillaume chia sẻ với giọng đầy thất vọng. “Mặt sân không đảm bảo sẽ khiến các cầu thủ tăng khả năng dính chấn thương hoặc tái phát những vết đau cũ. Thật sự tôi không nghĩ đây là điều kiện thích hợp để tổ chức một trận đấu ở giải vô địch quốc gia tại Việt Nam”. 

Một tuần sau, khi Hà Nội T&T hành quân tới làm khách của Thanh Hóa, đến lượt HLV Phan Thanh Hùng rơi vào cảnh phải lắc đầu ngao ngán vì sân bãi. “Chúng tôi không muốn chê nhưng thực sự mặt sân quá xấu. Mặt sân lồi lõm, đất nhiều hơn cỏ thế này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến lối chơi của các đội bóng. Đặc biệt, nó vô cùng nguy hiểm với các cầu thủ bởi dễ gây ra chấn thương”, chiến lược gia người Đà Nẵng chia sẻ. 

Không chỉ sân Lạch Tray hay Thanh Hóa, V.League còn rất nhiều các sân khác không khác gì mặt ruộng như sân Vinh của SLNA, sân Tam Kỳ của QNK Quảng Nam, sân Cấm Phả của Than Quảng Ninh….VFF, VPF đã nhiều lần ra văn bản nhắc nhở các đội bóng về vấn đề sân bãi, thậm chí “dọa” sẽ phải đá trên sân trung lập nhưng đâu vẫn hoàn đó. Số sân có mặt cỏ đẹp, thực sự đáp ứng được yêu cầu chỉ đếm trên đầu ngón tay như sân Thủ Dầu Một của B.Bình Dương hay sân Pleiku của Gia Lai. 

VÌ ĐÂU NÊN NỖI? 

Nhiều người cho rằng các đội bóng ngại tốn tiền nên để sân bãi xuống cấp nhưng thực tế không phải như vậy. Dù cỏ phải nhập từ nước ngoài nhưng tổng chi phí làm lại cũng chỉ rơi vào khoảng 2 đến 3 tỷ đồng. Ngoài ra, chỉ cần khoảng 3 đến 4 công nhân làm nhiệm vụ chăm sóc hàng ngày. Số tiền trên không thấm vào đâu với khoản ngân sách hoạt động mỗi năm không dưới 35 tỷ đồng của các đội bóng. 

“Vấn đề ở đây không phải là tiền. Chúng tôi giờ có bỏ tiền ra làm lại cỏ thì ít bữa nữa cỏ vẫn sẽ chết sạch. Sân bóng Thanh Hóa, Hải Phòng, Nha Trang… gần biển, sương muối nhiều, cứ vào mùa này cỏ chết hết. Chúng tôi cũng muốn làm sân đẹp để tránh chấn thương cho các cầu thủ lắm chứ nhưng không thể”, bầu Đệ của CLB Thanh Hóa trần tình. 

Ông chủ CLB Thanh Hóa lấy sân Lạch Tray làm minh chứng cho lời mình nói. CLB Hải Phòng mùa trước từng bị kêu về mặt sân và đã bỏ tiền ra để cải tạo. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mặt sân lại trở lại nguyên trạng, không khác gì mặt ruộng. 

Theo tiết lộ của một ông chủ đội bóng phía Nam, một nguyên nhân khác khiến các sân V.League trở nên xấu là vì đội bóng không được toàn quyền sử dụng. Sân đấu vẫn thuộc sở hữu của Sở TDTT nên các đội bóng không dễ dàng được phép sửa. Thêm vào đó, Sở TDTT còn thường xuyên tận dụng sân để sử dụng cho các bộ môn khác, điển hình như ở sân Thanh Hóa còn dùng để tập điền kinh, sân Cẩm Phả ngoài để đội bóng nam tập luyện và thi đấu còn phải gánh luôn cả đội bóng nữ và các tuyến trẻ. 

Sân bóng phải thêm phần đường chạy điền kinh để tận dụng làm địa điểm cho các môn thể thao khác như sân Thanh Hóa 

“Ở Bình Dương sân được giao luôn cho CLB B.Bình Dương quản lý, sử dụng. Ở Gia Lai sân coi như là của bầu Đức nên ông ấy toàn quyền quyết định. Nhờ vậy hai sân này mới đẹp được. Các sân khác thì các đội coi như đi thuê thi đấu, quyền sở hữu vẫn của Sở TDTT, được sử dụng cho rất nhiều các mục đích khác nhau”, vị lãnh đạo xin giấu tên chia sẻ. 

Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến các sân bãi của V.League xấu chính là vì các đội bóng không có sân tập riêng. Tại châu Âu, một tuần mỗi đội chỉ được tập ở sân chính một, hai buổi, còn lại phải tập ở sân phụ. Tuy nhiên, tại Việt Nam đa số các đội không có sân phụ nên họ phải lấy chính sân đấu làm sân tập. Với cường độ phải hoạt động gần như cả tuần, chuyện các sân bóng xuống cấp với tốc độ chóng mặt cũng là điều dễ hiểu. 


Đúng nguyên tắc bóng đá chuyên nghiệp, một CLB đủ tiêu chuẩn công nhận chuyên nghiệp phải có sân tập riêng khác với sân thi đấu. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay tính cả V.League lẫn Hạng Nhất chỉ có B.Bình Dương, ĐT.LA, HAGL, HN T&T, Nam Định, Vissai Ninh Bình, Khánh Hòa là tập ở sân tập riêng.
Sợ án phạt, Hải Phòng lên kế hoạch cải tạo sân
Sau khi HLV Graechen lên tiếng kêu về mặt sân quá xấu của Hải Phòng, VPF đã phải vào cuộc. Mới đây, đơn vị này gửi công văn yêu cầu đội bóng đất Cảng phải tiến hành cải tạo mặt sân, nếu không có thể phải nhận án phạt thi đấu trên sân trung lập. 
Phía Hải Phòng đã lên tiếng thừa nhận mặt sân không đảm bảo. Tuy nhiên, CLB đất Cảng xin lùi thời gian cải tạo mặt sân vào dịp Tết Nguyên Đán. Lãnh đạo Hải Phòng đã tìm được đối tác để nâng cấp mặt sân Lạch tray để khi V.League trở lại khởi tranh, đây không còn bị coi là “mặt ruộng”.

About Đội Tuyển Việt Nam

V-League Vietnam. Chuyên trang cập nhật tin tức, hình ảnh, video mới nhất từ giải Vô Địch Quốc Gia Toyota V-League Vietnam. Các bạn có thể chia sẻ ý kiến bên dưới để cùng nhau thảo luận. Mọi thông tin vui lòng gửi về: NhuanTriLuu@gmail.com
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Leave a Reply